Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực dệt may, da giày trước bối cảnh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang bày bán tràn lan trên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thương hiệu hàng Việt đang được rất nhiều người Việt ưa chuộng sử dụng, tuy nhiên do công tác hậu kiểm của các cơ quan chức năng thiếu hiệu quả nên hàng giả hàng nhái cạnh tranh công khai với hàng thật khiến thương hiệu Việt có chất lượng, uy tín khó thể tồn tại được.
Hàng nhái thường là các sản phẩm có chất lượng kém nhưng mẫu mã không khác mấy so với hàng do công ty sản xuất. Ngược lại, giá thành hàng nhái chỉ bằng 2/3, thậm chí 1/2 giá của hàng công ty nên vẫn được nhiều người tiêu dùng chấp nhận. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động kinh doanh của các công ty có thương hiệu và uy tín trên thị trường.
Đại diện Công ty Biti’s Việt Nam bức xúc chai sẻ, sản phẩm giày thể thao mới của công ty có giá thành dao động từ 500.000 – 700.000 đồng/đôi, chỉ mới đưa ra thị trường khoảng 1 tháng thì đã lập tức xuất hiện rất nhiều loại giày thể thao kém chất lượng có mẫu mã tương tự và giá bán chỉ khoảng 1/2 giá sản phẩm của công ty.
Vấn đề là chất lượng giày, cho dù giảm giá đến giá vốn sản xuất cũng không thể cạnh tranh lại với các sản phẩm hàng nhái, hàng giả. Bởi các cơ sở sản xuất nhỏ không phải tiêu tốn những khoản chi phí như: bảo hiểm xã hội, thuế, mặt bằng, thậm chí không có chi phí nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới…
Biti's là thương hiệu giày Việt được nhiều người yêu thích
Khảo sát thực tế của công ty cho thấy, người tiêu dùng vẫn chấp nhận sản phẩm hàng nhái do mẫu mã đẹp và giá rẻ. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng bị nhẫm lẫn và tin rằng đó là sản phẩm của công ty. Điều này tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của Biti’s.
Giày nhái bán tràn lan trong các chợ
Tình trạng trên cũng diễn ra khá phổ biến với nhiều doanh nghiệp nội. Ông Cao Văn Sang, Tổng giám đốc Công ty Nhựa Sài Gòn cho biết, công ty vừa đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập khẩu dây chuyền sản xuất sản phẩm nhựa thùng rác dân dụng và công nghiệp. Thế nhưng chào hàng trên thị trường nhựa chưa được bao lâu thì bị hàng Trung Quốc có mẫu mã và màu sắc tương tự cạnh tranh khốc liệt. Các công ty nhập khẩu sản phẩm tương tự có xuất xứ từ Trung Quốc luôn chào hàng với giá giảm từ 10 – 20% so với giá thành sản phẩm tại Việt Nam. Thậm chí, nhiều sản phẩm lấy từ Trung Quốc nhưng nhiều đơn vị vẫn chào hàng như là hàng sản xuất tại Việt Nam. Tình trạng này kéo dài đã gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam.
Doanh nghiệp nhựa Việt Nam gặp nhiều khó khăn với hàng giả
Đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết thêm, chưa bao giờ hàng gian, hàng giả lại bày bán và công khai cạnh tranh với hàng thật, hàng chính hiệu của các công ty có tên tuổi như hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn, hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan tại các chợ truyền thống.
Ông Phan Hoàng Kiếm, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã phát hiện 13.868 vụ vi phạm, tăng 0,66% so cùng kỳ năm 2015; trong đó phát hiện 1.573 vụ hàng cấm, hàng nhập lậu (giảm 0,1%), hơn 12.000 vụ gian lận thương mại (tăng hơn 0,9%); 282 vụ hàng giả (giảm 0,01%). Kết quả, các cơ quan chức năng khởi tố 49 vụ, xử phạt hành chính hơn 1.000 tỷ đồng, truy thu thuế gần 1.400 tỷ đồng; bán hàng tịch thu hơn 19 tỷ đồng; tổng số tiền nộp ngân sách hơn 2.470 tỷ đồng, tăng 64% so cùng kỳ năm 2015.
Việc hàng nhái, hàng kém chất lượng cạnh tranh công khai với hàng thật đang khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Để không phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp đã tìm hướng đi khác là xuất khẩu. Ông Nguyễn Đình Đông, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina), cho biết, công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm qua các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và một số nước Trung Đông.
Theo ông Đông, thị trường các nước Mỹ, Châu Âu và một số nước Trung Đông tuy được xem là thị trường khó tính nhưng chỉ là khó tính về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật. Nếu doanh nghiệp đảm bảo vượt qua rào cản kỹ thuật này thì sẽ không phải quan ngại về việc cạnh tranh thiếu lành mạnh bởi hàng giả, hàng nhái. Về giá, tại những thị trường trên, sản phẩm có giá xuất khá cao, thậm chí cao hơn cả giá xuất sang các nước cùng khu vực.
Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina)
Không đủ nội lực xuất ngoại như Casumina, ông Cao Văn Sang (Công ty Nhựa Sài Gòn) cho biết, công ty buộc phải chuyển hướng sang sản xuất những sản phẩm hạn chế trên thị trường. Tức là những sản phẩm khó, đòi hỏi chất lượng, kỹ thuật cao và không có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất. Đồng thời, công ty phát huy tối đa chính sách hậu mãi, như tăng thời gian bảo hành, bảo trì cho khách hàng trong quá trình sử dụng.
Tuy nhiên, về lâu dài, để doanh nghiệp chân chính có thể tồn tại và phát triển bền vững, các cơ quan chức năng cần làm tốt khâu kiểm soát hàng nhái, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường. Hiện nay, mức độ tin cậy và ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam của người Việt là rất lớn, nhưng sự ưu tiên tin dùng sản phẩm Việt sẽ không bền nếu như tình trạng hàng gian, hàng giả và hàng kém chất lượng vẫn đang bày bán công khai.
Mặt khác, việc xây dựng sản phẩm mang thương hiệu quốc gia là rất cần thiết. Do đó, bên cạnh những cố gắng nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần những hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc gia, kết hợp tăng cường chế tài, xử phạt nặng đối với sản phẩm làm giả, làm nhái, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp Việt ngay trên thị trường nội.
Inbrand - Giải pháp công nghệ chống hàng giả hàng nhái toàn diện cho doanh nghiệp.
Hotline: 0962 464 466
Có thể bạn quan tâm:
>> Inbrand - Giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng đầu cho thực phẩm
>> Hàng giả hàng nhái - Doanh nghiệp suy kiệt, người tiêu dùng hoang mang
>> Trà rởm mang mác Thái Nguyên lan tràn trên thị trường
>> Xử lý ra sao với hàng hóa không ghi nhãn?
>> Phụ tùng ô tô giả tràn và hiểm họa khôn lường đối với người tiêu dùng