Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thời trang nội y (đồ lót) đang “chết dần, chết mòn” vì cạnh tranh không lại với hàng Trung Quốc giá rẻ nhập lậu và hàng giả xuất xứ. Nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động, thậm chí rao bán nhà máy.
Doanh nghiệp Việt tham gia thị trường đồ lót chủ yếu ở phân khúc trung cấp, hai phân khúc còn lại là thấp cấp và cao cấp hoàn toàn thuộc về nước ngoài. Hàng cao cấp lâu nay hiển nhiên là cuộc chơi của các thương hiệu toàn cầu với chất lượng, kiểu dáng, giá tiền hoàn toàn cách biệt. Doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực thiết kế, quảng bá để thu hút đối tượng tiêu dùng vốn có tâm lý sính ngoại.
Hàng thấp cấp là cuộc độc chiếm của hàng Trung Quốc với giá bán thấp đến mức mà doanh nghiệp Việt Nam dù có làm cách nào cũng không thể có được. Tại sao hàng Trung Quốc lại có thể rẻ đến như vậy? Đơn giản vì họ là công xưởng của thế giới với hàng vạn xưởng sản xuất đủ loại quy mô, có cả những cơ sở nhỏ chuyên thu gom nguyên liệu giá rẻ, sử dụng lao động trẻ em. Hàng gia công bị lỗi, bị dư của họ có thể đủ cung ứng cho cả thị trường Đông Nam Á theo đường tiểu ngạch, đã thẩm lậu vào Việt Nam với giá vô cùng rẻ.
Các doanh nghiệp Việt Nam dù tham gia ở phân khúc trung cấp nhưng thị phần lại ít ỏi do phải cạnh tranh mệt mỏi với nhiều đối thủ, từ các cơ sở sản xuất đồ nhái thương hiệu cao cấp, bán giá hàng trung cấp, các doanh nghiệp Việt đặt gia công hàng ở Trung Quốc nhưng gắn mác “made in Vietnam” bằng thương hiệu của mình, cho đến nhiều thương hiệu nước ngoài đã thâm nhập thị trường trong nước từ sớm và gần đây là hàng loạt doanh nghiệp từ Malaysia, Thái Lan…tràn vào Việt Nam để hưởng thuế bằng 0 của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN.
Có không ít doanh nghiệp, vì lợi nhuận trước mắt mà đưa hàng Trung Quốc về gắn mác “made in Vietnam” để che mắt cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Chị V.L, một nhân viên phụ trách bán lẻ của một hương hiệu đồ lót trung cấp cũng xác nhận: Phân nửa cửa hàng của công ty này có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng nếu gắn mác “made in China” thì người tiêu dùng không mua nên thay vào đó chúng được gắn mác “made in Vietnam”.
Hàng nhập lậu, hàng nhái không phải chịu bất cứ khoản thuế nào nên người kinh doanh sẵn sàng chi chiết khấu cao cho các kênh phân phối, lấy những vị trí trưng bày rộng, đẹp và thực hiện các chương trình giảm giá hấp dẫn để thu hút đại đa số khách hàng. Hiện tại, các cơ quan nhà nước hầu như buông lỏng khâu kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa trên thị trường. Gần 80% đồ lót giá rẻ đều được nhập lậu từ Trung Quốc nhưng bày bán công khai khắp các cửa hàng, siêu thị, chợ ở trong nước mà ít khi gặp trở ngại.
Việc người bán lẻ ở các kênh hiện đại lẫn truyền thống đều tập trung vào hàng giá rẻ nhằm đáp ứng thị hiếu của phần lớn khách hàng mà không quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc hàng hóa khiến hàng nhái, hàng lậu từ Trung Quốc càng có nhiều đất sống, đồng thời đẩy dần doanh nghiệp trong nước ra khỏi hệ thống phân phối. Nhiều doanh nghiệp làm ăn bài bản cũng phải từng bước thu hẹp hoạt động vì càng làm càng lỗ, có khi phải gánh rất nhiều chi phí khác nhau. Số doanh nghiệp làm ăn chân chính mà khẳng định được thương hiệu rất hiếm hoi.
------------------
inBrand - Giải pháp chống hàng giả hàng nhái toàn diện cho doanh nghiệp.
Hotline tư vấn: 096 246 4466
Tin tức liên quan: