Mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử tăng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt trong mùa dịch bệnh Covid-19, việc hạn chế đi đến chỗ đông người giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đem lại cơ hội lớn cho kênh mua sắm online.
Tuy nhiên, tình trạng hàng fake (hàng giả, hàng nhái) vẫn tồn tại tràn lan trên chợ điện tử, bài toán quản lý vẫn còn nan giải và khó khăn.
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2018, gần 36.000 sản phẩm vi phạm bị buộc gỡ bỏ trên các sàn TMĐT và hơn 3.000 tài khoản, gian hàng trên các sàn đã bị khóa. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra xử phạt gần 350 vụ tương ứng số tiền xử phạt hơn 7 tỷ đồng, lực lượng quản lý thị trường ở Hà Nội xử phạt gần nửa tỷ đồng. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn TMĐT rà soát và gỡ bỏ trên 3.750 sản phẩm vi phạm từ gần 600 gian hàng và website.
Một chiếc túi xách nhái, giả thương hiệu nổi tiếng được bán với giá từ vài trăm đến vài triệu ngoài thị trường, thậm chí khi “lọt cửa” kiểm soát, “chui” được vào các trung tâm thương mại lớn, giá có thể lên tới vài nghìn USD, trong khi giá thực của nó tại những nơi làm giả chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Một thực tế khác, khi gõ từ khóa “giày Adidas Superstar” trên Shopee.vn, nhiều người mua giật mình bởi không ít sản phẩm tự quảng cáo “chính hãng” nhưng có mức giá chỉ từ 150.000 đồng - 200.000 đồng. Trong khi mức giá của đôi giày này trên gian hàng khác trên Shopee có mức giá lên tới 800.000 đồng, thậm chí còn có giá 2.000.000 đồng. Một số shop còn được phong là “Shop yêu thích” hay “Vô địch về giá”.
Đôi giày Adidas Superstar được đăng bán trên 1 gian hàng trên Shopee
Đôi Adidas Superstar được nói là hàng 100% chính hãng
Đôi giày Adidas Superstar đăng bán tại 1 gian hàng khác trên Shopee
Phần lớn sản phẩm, hàng tiêu dùng mang thương hiệu nổi tiếng đều bị làm giả. Có những chiếc điện thoại do hãng sản xuất vừa tung ra thị trường có giá hàng chục triệu đồng, nhưng ngay lập tức thị trường đã xuất hiện hàng giả, hàng nhái nhưng được quảng cáo “xịn”, với chiết khấu cao, có giá chỉ bằng nửa, thậm chí thấp hơn nhiều lần giá của nhà sản xuất.
Việc quá dễ dàng đăng ký trở thành chủ cửa hàng và đăng bán sản phẩm trên các trang TMĐT như Lazada, Shopee, Sendo đã trở thành “lỗ hổng” cho những “gian thương” trà trộn hàng fake, kém chất lượng lừa người tiêu dùng. Hàng năm Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; trong đó có khoảng trên 50% liên quan đến các giao dịch TMĐT hoặc vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các vi phạm điển hình bao gồm: Chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo; thông tin sai về xuất xứ, giá cả, không thực hiện nghĩa vụ bảo hành, không xuất hóa đơn.
"Người đăng bán dùng nhiều cách thức để qua mặt bộ phận, hệ thống kiểm duyệt, như sử dụng từ khóa tên sản phẩm không đúng với mặt hàng đăng bán; đăng tải hình ảnh khác với nội dung sản phẩm đăng bán; gửi hàng giả, nhái, khác với mô tả trong đăng bán; dùng các từ hoặc cụm từ gần giống với nhãn hiệu nổi tiếng để qua mặt hệ thống kiểm duyệt…" - ông Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết.
“Người bán hàng trên mạng đa dạng đối tượng và đa dạng mặt hàng. Khi quảng cáo thì dùng hình ảnh hàng thật, chính hãng nhưng lúc giao hàng là hàng nhái, không có nguồn gốc chứng từ. Dịp đầu năm trên Lazada còn bán cả vũ khí, sau đó phải làm việc với sàn này để gỡ xuống” - ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết.
Hầu hết các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đều bày tỏ gặp nhiều khó khăn trong quản lý hàng giả hàng nhái do nhiều đối tác bán hàng cố tình lách luật, dùng "chiêu" để qua mặt cả bộ lọc kỹ thuật lẫn sự kiểm duyệt của con người.
Đại diện Lazada cho biết trong gần 7 năm hoạt động trên thị trường, sàn này đã xây dựng được hệ thống 3 lớp bảo mật chặt chẽ áp dụng hệ thống công nghệ cao thông minh cảnh báo các sản phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời ngăn chặn việc đăng bán các sản phẩm không đạt chất lượng bằng hệ thống từ khóa đã được cài đặt sẵn. Tuy vậy, vẫn có tình trạng nhiều nhà bán hàng cố tình lách luật đăng bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đại diện Shopee cũng cho biết công ty đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm tra hoạt động đăng bán trên Shopee như sử dụng phần mềm, chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm, đội ngũ nhân sự kiểm duyệt, chế độ đánh giá người bán… và liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tăng cường thêm nhân viên chuyên trách nhưng việc kiểm soát còn nhiều khó khăn.
Việc quảng cáo, giới thiệu trên mạng không đúng với sản phẩm khi giao tới tay khách hàng khá phổ biến… Trong khi đó, năng lực của cán bộ còn hạn chế và hệ thống pháp lý còn yếu, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa mang tính răn đe. Cũng theo đại diện Bộ Công thương, việc giám sát hoạt động kinh doanh ở thị trường truyền thống vốn đã khó khăn, quản lý các thương nhân trên sàn TMĐT còn khó khăn, nan giải gấp nhiều lần. Bởi một sàn giao dịch TMĐT hiện có thể lên tới hàng triệu người tham gia bán hàng.
Trong khi đó, việc xóa sổ một gian hàng, website trên mạng lại có thể đóng ngay tức thì, mất hoàn toàn dấu vết nên rất khó cho công tác điều tra, xử lý; Hành lang pháp lý chưa theo kịp với sự phát triển của thương mại điện tử, chế tài để xử lý lại chưa đủ sức răn đe đối với loại tội phạm này.
Mặt trái của TMĐT bây giờ rất rõ, trong 2 năm trở lại đây khi sự bùng nổ của internet, thiết bị di động đã thu hút đông đảo doanh nghiệp, cá nhân tham gia thương mại. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia giao dịch thương mại điện tử, bởi vậy số lượng người bán rất lớn, nằm rải rác trên khắp cả nước, chính điểm này gây nên sự khó khăn trong công tác chống gian lận thương mại.
Mua sắm trên chợ thương mại điện tử chưa bao giờ tấp nập như thời điểm này, hàng hóa online cũng phong phú lên, đồng thời lượng hàng giả hàng nhái cũng tăng lên, trong khi công tác quản lý vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, người tiêu dùng cần chủ động bảo vệ mình, hết sức thận trọng khi mua hàng
4 lời khuyên dành cho người tiêu dùng khi mua sắm trên trang TMĐT:
1, Cần nâng cao nhận thức khi mua bán hàng hóa.
2, Chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch, website uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra.
3, Khi mua hàng, cần kiểm tra thông tin về đơn vị, người bán hàng trực tuyến (tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc…), tìm kiếm thông tin về mặt hàng, tìm hiểu kỹ các chính sách mua bán, quy định, bảo hành.
4, Đặc biệt, người mua không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu trên những website, đường dẫn lạ, có dấu hiệu lừa đảo.