Vào mỗi dịp cận Tết, các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn các tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý “sính giá rẻ” của nhiều người dân khu vực nông thông nên các mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lại ồ ạt tràn về chợ quê, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Chợ quê là nơi hàng giả, hàng nhái dễ dàng được tiêu thụ
Tại cổng chợ Trần Cao (huyện Phù Cừ, Hưng Yên), các mặt hàng từ quần áo đến hàng gia dụng được bày bán la liệt trên “mặt đất”. Các mặt hàng dù khác nhau về chủng loại nhưng được người bán giới thiệu là “hàng công ty” đem ra thanh lý với giá ưu đãi.
Với một chiếc micro và loa thùng được vặn hết công suất, những người bán hàng vô tư quảng cáo giá trị ưu việt của sản phẩm mình bán ra, khiến cho bất kỳ ai đi ngang qua cũng muốn ghé thăm sạp hàng. Những chiếc áo thun dài tay bán với giá “100 nghìn 4 cái”, những chiếc bát, đĩa in hình hoa quả lòe loẹt có nguồn gốc từ Trung Quốc bán giá khuyến mãi “mua 2 tặng 1”.
Người dân nông thôn vốn không mấy để ý đến tem mác, lợi dụng kẽ hở này một số người bán hàng đã tranh thủ tẩu tán hàng kém chất lượng. Người dân cho biết họ thấy quảng cáo quần áo bán với giá rẻ thì vào mua chứ cũng không biết chúng có nguồn gốc và nhãn mác như thế nào. Mặc dù người bán hàng quảng cáo là hàng công ty đem ra thanh lý, nhưng theo quan sát thì loại quần áo này không có tem mác ghi tên cơ sở sản xuất và địa chỉ.
Hàng kém chất lượng không chỉ xuất hiện ở chợ Trần Cao mà còn len lỏi đến nhiều phiên chợ quê khác. Tại chợ Đầu (xã Trung Nghĩa, Hưng Yên), những hàng hóa không nhãn mác, đại diện cho “hàng công ty” được bày bán công khai, thu hút khá đông người dân đến mua, trong đó đáng chú ý hơn là sạp hàng bán đồ nhựa, đồ dùng trong bếp. Tiếng rao của người bán được truyền qua hệ thống loa đài “xả hàng tồn kho, giá rẻ như cho” khiến ai đi chợ cũng muốn ghé vào. Thau, bát, đĩa, thìa…nhựa tất cả đều bền mà lại được bán với giá rẻ bất ngờ nên nhiều người tranh thủ lựa chọn vài sản phẩm mà chẳng cần biết đó là thật hay giả.
Để người mua tin sản phẩm của mình là hàng chất lượng tốt, anh Tuấn (người bán hàng) đã dùng tay đập mạnh chiếc thay nhựa xuống đất, chỉ thấy thau nảy lên mà khôn ghề bị rạn nứt. Thấy vậy, người mua hàng ai cũng phấn khởi vì mình mua được hàng tốt giá rẻ. Khi được thắc mắc là hàng công ty nhưng không có tem mác ghi nhà sản xuất và thông số thì người bán hàng giải thích rằng, vì công ty xả hàng cuối năm, lại bán với giá rẻ nên phải xé bỏ tem, mác, nếu cứ để sẵn tem, mác thì sẽ bị xử phạt. Cũng chính vì lời quảng cáo đường mật của người bán hàng mà những mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái bán rất chạy ở các chợ nông thôn. Người dân quê vô tình trở thành nạn nhân của hoạt động buôn bán gian lận mà không hề hay biết, biến phiên chợ quê thành nơi lý tưởng để tiêu thụ hàng giả.
Chợ phiên tại các vùng quê không chỉ là nơi tiêu thụ quần áo, hàng gia dụng kém chất lượng mà còn là nơi trú chân an toàn của các mặt hàng gia vị và hương liệu phục vụ nội trợ. Điển hình, sạp hàng của chị H (chợ ché, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ) bày bán la liệt gia vị gồm bò kho, ngũ vị hương, bột ớt, gia vị nấu lẩu… Mỗi thứ gia vị đều đựng trong một túi giấy bóng trắng, không ghi ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng. Khi có khách hàng, chị H lại lấy gia vị từ túi lớn “chia” thành từng gói nhỏ theo yêu cầu của mỗi người. Với khách hàng phân vân mua gia vị cho lẩu gà, chị H sẽ tư vấn cho khách mua khoảng 2 nghìn đồng một gói gia vị lẩu gà nấm, nồi lẩu sẽ có mùi vị thơm rất đặc trưng. Theo lời kể của chị H, đa phần người đến mua hàng không xem kỹ hạn sử dụng, nơi sản xuất mà chỉ quan tâm giá bán bao nhiêu. Cũng chính vì cách mua hàng dễ dãi của người dân nông thôn mà mỗi ngày sạp hàng nhỏ của chị H bán khá chạy các loại gia vị, từ mì chính, nước mắm đến gia vị nấu lẩu.
Hàng kém chất lượng "tràn" về các chợ quê
Để hàng kém chất lượng không “tràn” vào chợ quê, các đơn vị phải tăng cường theo dõi sát diễn biến của thị trường, hàng hóa, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Ngoài việc lực lượng chức năng phải thắt chặt kiểm soát, đòi hỏi mỗi người dân ở khu vực nông thôn cũng phải trở thành những người tiêu dùng thông thái, không nên ham đồ rẻ để tránh “tiền mất tật mang”.
---------------
Hotline: 0962 464 466
Có thể bạn quan tâm: